Lịch sử hoạt động Iron Duke (lớp thiết giáp hạm)

Iron Duke

Khi được đưa vào hoạt động, Iron Duke được phân về Hạm đội Nhà như là soái hạm của hạm đội. Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra, Hải quân Hoàng gia được tái tổ chức; Hạm đội Nhà cùng Hạm đội Đại Tây Dương được sáp nhập thành Hạm đội Grand; Iron Duke tiếp tục đảm nhiệm vai trò soái hạm của hạm đội, lúc này đặt dưới quyền chỉ huy của Đô đốc John Jellicoe. Con tàu đã tham gia mọi hoạt động chính yếu của hạm đội, nhưng chỉ có một đưa đến đụng độ thực sự vào ngày 31 tháng 5 vốn đã dẫn đến Trận Jutland.[2] Trong trận này, Iron Duke được phân về Đội 3 thuộc Hải đội Chiến trận 4, và được bố trí tại trung tâm của hàng chiến trận Anh.[13]

Sau khi chiến tranh kết thúc, Iron Duke được chuyển sang Hạm đội Địa Trung Hải. Trong giai đoạn 1919-1920, con tàu đã hoạt động tại Hắc Hải hỗ trợ cho phe Bạch vệ trong cuộc Nội chiến Nga. Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922 bắt buộc Iron Duke phải được rút khỏi hoạt động thường trực; tuy nhiên, nó được giữ lại cùng hạm đội trong một thời gian ngắn, được chuyển sang Hạm đội Đại Tây Dương vào năm 1926. Nhiệm vụ này kéo dài được ba năm, và cuối cùng nó cũng được cho xuất biên chế.[10] Nó được giải giáp để sử dụng như một tàu huấn luyện; hai trong số các tháp pháo cùng một phần lớn vỏ giáp được tháo bỏ, và tốc độ bị giảm còn 18 kn (33 km/h; 21 mph) do tháo dỡ một số nồi hơi.[14] Bắt đầu từ năm 1939, Iron Duke được sử dụng như một tàu kho chứa tại Scapa Flow. Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra cùng năm đó, các khẩu pháo còn lại được tháo dỡ cho việc phòng thủ trên bờ. Không quân Đức tìm cách ném bom nó vào ngày 17 tháng 10 năm 1939; nhiều quả bom ném suýt trúng đã khiến nó bị hư hại đáng kể. Sau khi được sửa chữa, nó tiếp tục đảm nhiệm vai trò tàu kho chứa cho đến khi chiến tranh kết thúc.[10] Iron Duke cuối cùng bị bán để tháo dỡ vào năm 1946.[1]

Marlborough

Marlborough là chiếc đụng độ nặng nhất trong trận Jutland, khi đã bắn tổng cộng 162 quả đạn pháo hạng nặng trong tổng số 292 quả đạn mà cả lớp Iron Duke đã bắn ra.[1] Nó được phân về Đội 6 thuộc Hải đội Chiến trận 1 về phía cuối đội hình hàng chiến trận Anh, và đã phục vụ như là soái hạm của Chuẩn đô đốc Cecil Burney.[13] Trong trận chiến, nó bị bắn trúng một quả ngư lôi ở giữa tàu, khiến lườn tàu bị thủng một lỗ rộng 21 x 6 m (70 x 20 ft). Cho dù bị hư hại, nó vẫn ở lại vị trí trong đội hình, cho dù tốc độ bị giảm còn 17 kn (31 km/h; 20 mph). Marlborough tiếp tục bắn với dàn pháo chính của nó cho đến khi độ nghiêng gia tăng khiến hỏa lực không còn hiệu quả. Cuối cùng con tàu rút lui về Humber, nơi việc sửa chữa nó kéo dài mất ba tháng.[1]

Sau chiến tranh, Marlborough tham gia phục vụ cùng Iron Duke tại Địa Trung Hải, nơi nó ở lại cho đến năm 1926. Sau đó nó được chuyển sang Hạm đội Đại Tây Dương, và lượt phục vụ này kéo dài ba năm cho đến năm 1929, khi được rút khỏi hoạt động thường trực. Con tàu bị bán để tháo dỡ vào năm 1932.[1]

Benbow

Benbow trong hàng chiến trận

Giống như những con tàu chị em, Benbow nằm trong thành phần Hạm đội Grand trong giai đoạn Thế Chiến I, nó được phân về Hải đội Chiến trận 4 vào ngày 10 tháng 12 năm 1914.[10] Benbow là soái hạm của Đô đốc Doveton Sturdee, chỉ huy Đội 4 của Hải đội Chiến trận 4, trong trận Jutland. Đơn vị này đi ngay trước Đội 3, nơi Đô đốc Jellicoe chỉ huy hạm đội từ con tàu chị em với Benbow là Iron Duke.[13] Trong suốt trận chiến, Benbow đã không bị hư hại. Giống như Iron Duke và Marlborough, Benbow được chuyển sang Địa Trung Hải vào năm 1919, đã bắn pháo hỗ trợ cho lực lượng Bạch vệ tại Hắc Hải. Nó nối gót Marlborough chuyển sang Hạm đội Đại Tây Dương vào năm 1926; được rút khỏi Đăng bạ Hải quân năm 1929 và được bán để tháo dỡ.[10]

Emperor of India

Emperor of India cũng được phân về Hải đội Chiến trận 4 vào tháng 12 năm 1914. Nó lỡ mất trận Jutland do đang ở trong ụ tàu để bảo trì định kỳ. Sau khi chiến tranh kết thúc, nó được chuyển sang Hạm đội Địa Trung Hải cùng với ba chiếc tàu chị em. Emperor of India quay trở lại Anh Quốc vào năm 1922 để tái trang bị, rồi lại tiếp tục làm nhiệm vụ tại Địa Trung Hải trước khi chuyển sang Hạm đội Đại Tây Dương cùng các con tàu chị em vào năm 1926, rồi ngừng hoạt động vào năm 1929. Thay vì được tháo dỡ, nó được sử dụng như một mục tiêu tác xạ, và bị đánh đắm năm 1931. Nó được cho nổi lên không lâu sau đó và được bán để tháo dỡ vào ngày 6 tháng 2 năm 1932.[10]